Đình Làng Vật Cách Thượng: Di Sản Văn Hóa Giữa Lòng Phường An Dương
Trên địa bàn phường An Dương, thành phố Hải Phòng hiện nay có tổng cộng 20 ngôi đình, trong đó có 6 đình được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 11 đình được công nhận di tích cấp thành phố và 2 đình đang nằm trong danh mục kiểm kê di tích. Mỗi ngôi đình đều mang trong mình vẻ đẹp kiến trúc riêng biệt, ẩn chứa giá trị lịch sử - văn hóa sâu sắc, là nơi sinh hoạt tâm linh, lưu giữ ký ức cộng đồng của cư dân địa phương qua nhiều thế hệ. Trong số đó, Đình Vật Cách Thượng nổi bật như một minh chứng sống động cho truyền thống yêu nước, tôn kính anh hùng và gìn giữ bản sắc văn hóa Việt.
1. Vị trí và lịch sử hình thành
Đình Vật Cách Thượng tọa lạc tại tổ dân phố Cách Thượng, phường An Dương. Ngôi đình này được xây dựng để thờ Thành hoàng làng - Trung Thành Đại Vương Nguyễn Trung Thành, một vị tướng kiệt xuất thời Lý, người có công lao to lớn trong việc bảo vệ bờ cõi và phù trợ cho đời sống của nhân dân. Đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố vào năm 2014, là nơi gắn liền với cội nguồn hình thành làng xã, cũng như lưu giữ nhiều dấu tích liên quan đến lịch sử, phong tục và tín ngưỡng dân gian địa phương.
Vật Cách Thượng xưa vốn là một phần của xã Vật Cách, hình thành từ những bãi bồi ven sông Cấm. Với vị trí "trên bến dưới thuyền", cư dân nơi đây từng sống trong một môi trường giao thương nhộn nhịp, phát triển về cả nông nghiệp lẫn giao thông thủy bộ. Theo các tài liệu và bia đá cổ, xã Vật Cách ban đầu về sau được chia tách thành Vật Cách Thượng và Vật Cách Hạ, phản ánh quá trình mở rộng địa bàn cư trú và dân số tăng nhanh vào khoảng cuối thế kỷ XVII.

(Toàn cảnh Đình Làng Vật Cách Thượng - Di sản Văn hóa cấp quốc gia)
2. Nhân vật lịch sử Nguyễn Trung Thành
Nguyễn Trung Thành, tên thật là Trung Thành, quê ở ấp Cam Lộ (nay thuộc phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng), được người dân kính xưng là Đức Thánh Cam Lộ. Ông là một nhân vật có thật trong lịch sử, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới triều Lý như Gián nghị Đại phu, Trung Lang tướng, và sau đó là Bình Chương sự, trực tiếp tham gia chống quân xâm lược Chiêm Thành và nhà Tống. Đặc biệt, ông được biết đến như một vị tướng dũng cảm, hy sinh trong một trận chiến khốc liệt tại Chàng Sơn vào năm 1101 để bảo toàn khí tiết và tinh thần bất khuất trước kẻ thù.
Sau khi ông hy sinh, vua Lý Thánh Tông đã sắc phong cho ông là “Trung Thành Đại Vương”, cho rước linh vị về quê nhà và lập đền thờ tại Vật Cách Thượng. Trải qua nhiều triều đại, ông còn được các vua Trần, Lê phong thêm các mỹ tự như: “Hộ quốc cương nghị”, “Anh uy quả đoán”, “Phù tộ trợ thuận”, và cuối cùng là “Thượng đẳng thần”.
3. Kiến trúc và giá trị văn hóa
Đình Vật Cách Thượng tuy đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống của đình làng Bắc Bộ: mái ngói cổ kính, khung gỗ lim vững chãi, họa tiết chạm khắc rồng, phượng tinh xảo, đặc biệt là các mảng chạm thể hiện cảnh sinh hoạt, thờ tự, võ tướng thể hiện sự hào hùng. Không gian đình là nơi quy tụ linh khí, đồng thời là trung tâm tổ chức các nghi lễ truyền thống như lễ hội đình làng, lễ giỗ Đức Thánh Trung Thành, tế xuân - tế thu…
Hằng năm, vào dịp ngày 12 tháng 11 âm lịch - ngày ông hy sinh - người dân thôn Vật Cách Thượng lại long trọng tổ chức lễ tưởng niệm, tri ân vị anh hùng dân tộc. Đây là dịp để cộng đồng gắn kết, con cháu ghi nhớ công lao tổ tiên và giáo dục truyền thống yêu nước, hiếu nghĩa cho thế hệ sau.

(Điêu khắc trang trí tại Đình Làng Vật Cách Thượng, Tổ dân phố Cách Thượng, phường Nam Sơn)
4. Ý nghĩa và giá trị hôm nay
Không chỉ là nơi thờ tự, đình Vật Cách Thượng còn là một chứng tích lịch sử - văn hóa quan trọng, góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản của phường An Dương và thành phố Hải Phòng. Di tích không chỉ mang giá trị tinh thần, mà còn là tài sản quý báu trong giáo dục truyền thống, phát triển du lịch văn hóa và thúc đẩy tinh thần cộng đồng.
Ngày nay, trước sự phát triển của đô thị hóa và thời gian, việc giữ gìn và phát huy giá trị của Đình Vật Cách Thượng là trách nhiệm và niềm tự hào của toàn thể nhân dân địa phương. Đình không chỉ là nơi chốn linh thiêng, mà còn là biểu tượng của lòng trung nghĩa, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam - được kết tinh qua bao thế kỷ dựng nước và giữ nước.

(Đoàn lãnh đạo UBND phường An Dương do Đ/c Bùi Tiến Phong - Chủ tịch UBND phường làm trưởng đoàn, đến thăm và dâng hương tại Đình Vật Cách Thượng nhân buổi làm việc với Tổ dân phố Cách Thượng)
Phòng Văn hóa - Xã hội