image banner
Huyện An Dương đưa tín dụng chính sách đến gần hơn với người dân

Những năm qua, công tác tín dụng chính sách trên địa bàn huyện An Dương đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện tích cực phối hợp với các tổ chức Chính trị xã hội triển khai hiệu quả chương trình cho vay tạo việc làm, hỗ trợ người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Từ những “điểm tựa” về vốn, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Trong đó, mô hình trồng dưa trong nhà màng, ứng dụng công nghệ cao của anh Nguyễn Đức Thành, thôn Kiều Trung, xã Hồng Thái đã phát huy được nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm của Phòng giao dịch NHCSXH huyện từ nhiều năm nay, anh Thành đã có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Anh Nguyễn Đức Thành, thôn Kiều Trung, xã Hồng Thái, Huyện An Dương, TP. Hải Phòng được vay 100 triệu đòng từ NHCSXH đầu tư trồng dưa trong nhà màng cho thu nhập cao

Anh Thành cho biết, với niềm đam mê làm nông nghiệp anh luôn trăn trở làm thế nào để người nông dân làng quê mình không bỏ ruộng hoang, sản xuất nông nghiệp có lãi, phát triển nông nghiệp tại địa phương bền vững, để có thêm nguồn vốn đầu tư sản suất, năm 2021 anh vay 100 triệu đồng từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện để đầu tư xây dựng nhà màng, mua hạt giống, nguyên liệu làm giá thể và lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động trồng dư lê Hàn Quốc, dưa lưới Nhật Bản để phát triển đàn dê của gia đình.

Ban đầu là 300m2 nhà màng, trồng 750 khóm dưa lưới Nhật Bản, hiện gia đình anh Thành đang có hơn 2.500m2 nhà màng, trồng hơn 6.300 gốc dưa lê Hàn Quốc và dưa lưới Nhật Bản, mỗi năm trồng  3 vụ, thu về gần 1 tỷ đồng tiền lãi. So với trồng lúa, ngô và các loại cây hoa màu khác thì trồng dưa lưới Nhật Bản và dưa Lê Hàn Quốc trong nhà màng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. 

Anh Thành chia sẻ thêm: Trồng dưa trong nhà màng, áp dụng công nghệ cao thì sẽ kiểm soát được nhu cầu dinh dưỡng ở từng giai đoạn sinh trưởng của cây, để từ đó cung cấp cho dinh dưỡng cây một cách phù hợp hợp nhất. Ngoài ra ứng dụng công nghệ nhà màng còn ngăn chặn được côn trùng xâm hại, giảm thiểu sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và ít bị ảnh hưởng bởi mưa, nắng bất thường. Qua đó đảm bảo chất lượng quả tốt hơn so với trồng bên ngoài nhà lưới, nhất là đảm bảo tuyệt đối về an toàn vệ sinh thực phẩm, được người dân tin dùng, sản phẩm xuất bán ra thị trường cho giá cả cạnh tranh hơn. 

Tín dụng chính sách đã giúp Anh Ngô Văn Đạo nông dân xã An Hòa, huyện An Dương làm giàu từ trồng ổi lê Đài Loan theo mô hình Việt Gap

Hay như gia đình anh Ngô Văn Đạo ở thôn Hà Nhuận, xã An Hòa, anh được Phòng giao dịch NHCSXH huyện hỗ trợ vay vốn 100  triệu đồng từ vốn ủy thác qua Hội Nông dân xã. Từ số tiền này, anh đầu tư cải tạo ruộng trồng lúa năng suất thấp để trồng ổi lê Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP.

Anh Đạo cho biết: “Nếu như trồng lúa 1 năm thu hoạch 02 vụ thì trồng Ổi Lê Đải Loan có thể cho thu hoạch quanh năm. Bình quân 1 sào trồng khoảng 40 cây ổi Lê Đài Loan, trong một năm cho thu hoạch khoản 2 tấn quả, thu về gần 20 triệu đồng, cao hơn từ 6 đến 7 lần so với trồng lúa trên cùng 1 đơn vị diện tích. Đến nay gia đình anh tôi đã mở rộng diện tích trồng Ổi Lê Đài Loan lên gần 3 mẫu. Giờ đây Ổi Lê Đài Loan là cây trồng chủ lực giúp gia đình tôi phát triển kinh tế”.

Ông Bùi Văn Năm, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa cho biết, để nguồn vốn vay đạt hiệu quả, đúng mục đích, khi các hộ có nhu cầu vay vốn, Hội Nông dân xã xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp với cán bộ tín dụng theo dõi, tiến hành kiểm tra, đánh giá về mô hình, dự án các hộ dự kiến triển khai thực hiện.

Thực tế trong những năm qua, nguồn vốn vay từ NHCSXH đã tạo động lực quan trọng phát triển nhiều nhiều mô hình kinh tế hiệu quả ở huyện An Dương, cụ thể như các mô hình: Trồng đào cảnh ở xã Đặng Cương, trồng rau gia vị ở xã Đại Bản, chăn nuôi gà ở xã Hồng Phong…

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Dương - Nguyễn Văn Đáng cho biết: Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi là “đòn bẩy” để hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh. Những năm qua, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với Phòng giao dịch NHCSXH huyện bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính Phủ, của thành phố, nhanh chóng đưa vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh việc đẩy mạnh cho vay theo đúng đối tượng thụ hưởng, công tác thu hồi vốn cũng đạt hiệu quả tích cực, đồng vốn ưu đãi được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả.

Phó giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện An Dương – Nguyễn Thị Nguyên cho hay: Công tác cho vay vốn được Phòng giao dịch NHCSXH huyện thực hiện theo hướng rút gọn trình tự, thủ tục, giảm thời gian giải quyết hồ sơ, nhưng vẫn đảm bảo quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, vai trò, ý nghĩa của các chương trình tín dụng để các đối tượng có nhu cầu nắm rõ. Từ đó, việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi bám sát vào các chủ trương, kế hoạch, mục tiêu của địa phương, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân và mang lại hiệu quả cao.

Để nguồn vốn vay ưu đãi đến tay người dân kịp thời, Phòng giao dịch NHCSXH huyện phối hợp, thực hiện tốt hoạt động ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên và duy trì hiệu quả hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện giải ngân hằng tháng tại các điểm giao dịch xã, thị trấn. Hiện nay, toàn huyện có 249 Tổ tiết kiệm và vay vốn duy trì hiệu quả hoạt động; tỷ lệ giải ngân tại các điểm giao dịch ở 16 xã, thị trấn đạt 99%, tỷ lệ thu nợ đạt 98%, tỷ lệ thu lãi đạt 100%. Qua đó, đã tiếp thêm động lực cho nhiều cá nhân, hộ gia đình giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng. Theo đó, nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả được hình thành và phát triển, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện An Dương, TP. Hải Phòng tiếp tục tranh thủ nguồn vốn phân bổ từ Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác và các nguồn lực tài chính xã hội nhằm tạo lập nguồn vốn quy mô lớn để mở rộng cho vay, đáp ứng tốt nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác góp nâng cao đời sống người dân./.

Phan Ánh 

Hội Nông dân huyện

Admin
hệ thống văn bản
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0