image banner
Quận ủy An Dương dự hội nghị trực tuyến Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Sáng ngày 16/4, tại phòng họp Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội (TP Hà Nội), Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bằng hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến đến các điểm cầu trong cả nước. Dự hội nghị tại phòng họp Diên Hồng có các đồng chí: Tổng Bí thư Tô Lâm; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các đoàn thể Trung ương. Hội nghị được kết nối đến 21 nghìn điểm cầu với hơn 1,5 triệu đại biểu dự trong cả nước.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Trung ương

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng

Dự tại điểm cầu thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; các đồng chí lãnh đạo thành phố, nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ; lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 16 điểm cầu cấp huyện, 202 điểm cầu cấp xã.

Các đại biểu dự tại điểm cầu quận An Dương

Tại điểm cầu quận An Dương có các đồng chí: Trần Thị Quỳnh Trang, Ủy viên Thành ủy, Bí thư Quận ủy; Lương Thế Quý, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận; Chu Đức Anh, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận; các đồng chí lãnh đạo quận, nguyên lãnh đạo quận qua các thời kỳ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy; Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ quận; lãnh đạo các ban, phòng, ngành, đoàn thể quận. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 10 điểm cầu các phường thuộc quận. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt tại Hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt chuyên đề: Về các dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị; Những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn giới thiệu chuyên đề về sửa đổi Hiến pháp và pháp luật

Đồng chí Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn quán triệt chuyên đề: Về sửa đổi Hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2030.

Đồng chí Lê Minh Hưng giới thiệu chuyên đề về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng quán triệt chuyên đề về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi, bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị sửa đổi Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 và Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18/1/2025 của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội Đảng các cấp nhiệm 2025-2030 và Kế hoạch triển khai thực hiện.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Sau hội nghị này, các cấp ủy Đảng đã xác định rõ nhiệm vụ của mình trong thời gian tới. Cơ quan, đơn vị, địa phương và từng đảng viên tham dự hội nghị đều đã hình dung được rõ trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện các chủ trương của Trung ương. Các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng các nội dung của Nghị quyết và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện. Tổng Bí thư nêu rõ 3 yêu cầu, 4 lưu ý trong thực hiện nhiệm vụ thời gian tới, đó là: Các cấp ủy đảng cần xác định quyết tâm chính trị cao nhất - đây là một cuộc cách mạng trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, cải cách, đổi mới để phát triển đất nước. Các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu phải chỉ đạo quyết liệt, quán triệt sâu sắc để đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng đặc biệt của chủ trương này, từ đó tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng, hành động trong toàn Đảng. Việc triển khai phải được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, nhưng cần thận trọng, chắc chắn, bài bản, không nóng vội. Mỗi việc làm phải được tính toán kỹ lưỡng, gắn với các nội dung liên quan khác; đồng thời đảm bảo đúng quy định, quy trình, thủ tục và thời gian theo kế hoạch. Các cấp ủy, địa phương cần lưu ý việc sắp xếp tổ chức đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương là chủ trương có tầm nhìn chiến lược lâu dài. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận, đánh giá kỹ lưỡng và cân nhắc nhiều mặt để đi đến quyết định thực hiện chủ trương này với những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể. Việc xác định tên gọi, vị trí trung tâm chính trị - hành chính sau sắp xếp cần rõ ràng, thống nhất. Cấp xã cũng phải được định hướng lại trên cơ sở tiêu chí hợp lý, phù hợp với thực tiễn. Việc triển khai chủ trương có thể tác động đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, người dân – điều đó là dễ hiểu, bởi hình ảnh quê hương đã in sâu trong tiềm thức mỗi người. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển, chúng ta cần thay đổi tư duy, tầm nhìn, thống nhất nhận thức, vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung, vượt qua tâm lý cục bộ địa phương để hướng đến tương lai. Cần xác định rõ định hướng hệ thống chính trị sau sáp nhập. Đây không chỉ là điều chỉnh hành chính, mà còn là điều chỉnh không gian phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Bộ máy mới phải gọn hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn. Chính quyền địa phương phải tinh gọn, gần dân, sát dân, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và tạo động lực phát triển. Việc sắp xếp xã, phường không nên quá lớn hay quá nhỏ – cần nghiên cứu kỹ để có phương án hợp lý. Việc sắp xếp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều cán bộ, đảng viên. Sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động, việc bố trí vị trí việc làm cần được thực hiện công tâm, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng chạy chức, chạy quyền. Người đứng đầu phải được lựa chọn kỹ lưỡng, đồng bộ, liên thông trong hệ thống nhân sự các cấp, đảm bảo đúng người, đúng việc. Tổng Bí thư cũng đề nghị, trong quá trình xây dựng văn kiện Đại hội Đảng các cấp, cần tập trung nhiều hơn nữa vào định hướng phát triển mô hình tăng trưởng mới; xây dựng tầm nhìn cho tỉnh mới, xã/phường mới sau sáp nhập, trên tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng để phát triển. Việc triển khai Nghị quyết Trung ương 11 diễn ra trong thời điểm đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức, nhiều nhiệm vụ lớn đặt ra cùng lúc, do đó, Tổng Bí thư đề nghị các thành ủy, tỉnh ủy cần quan tâm tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, coi đây là nguồn động viên tinh thần, tạo động lực để cán bộ, đảng viên và Nhân dân thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

 

Admin
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
hệ thống văn bản
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0