Huyện An Dương tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng ôn thi vào lớp 10 THPT môn Toán - Ứng dụng hệ thức Vi-ét và giải pháp phòng học thông minh”

Chiều ngày 21/3, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng ôn thi vào lớp 10 THPT môn Toán - Ứng dụng hệ thức Vi-ét và giải pháp phòng học thông minh”. Dự Hội thảo có đồng chí Vũ Mạnh Hùng, Ủy viên Huyện ủy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Trần Văn Hải, Ủy viên Huyện ủy, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện; đại diện lãnh đạo, chuyên viên phòng Giáo dục và đào tạo huyện; các đồng chí Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên, thành viên Hội đồng bộ môn Toán, giáo viên dạy môn Toán các trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện.


Đồng chí Trưởng phòng GĐ&ĐT huyện Vũ Mạnh Hùng và đồng chí Trưởng phòng VH&TT huyện tặng hoa chúc mừng giáo viên tham gia tiết dạy chuyên đề và phát biểu khai mạc hội thảo
Năm học 2023-2024, với chủ đề “Kiên trì mục tiêu chất lượng, đột phá nâng cao chỉ số giáo dục, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học”, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong dạy và học. Qua đó, chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn ngày càng được nâng cao, tỷ lệ học sinh giỏi, tỷ lệ học sinh đỗ vào lớp 10 các trường THPT công lập ngày càng tăng cao, điểm trung bình thi vào lớp 10 đứng vị trí thứ 6/14 quận huyện trong thành phố và đứng đầu khối huyện; 13 học sinh đỗ vào trường THPT chuyên Trần Phú. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ứng dụng CNTT được quan tâm đầu tư, đối với khối THCS được trang bị 17 phòng máy tính với 539 máy tính kết nối mạng; 327 ti vi, 22 máy chiếu, 04 nhà trường trang bị màn hình tương tác thông minh. Phấn đấu đến hết năm 2025, mỗi trường trung học cơ sở có ít nhất 01 phòng học thông minh; triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý giáo dục.


Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Mai cùng các học sinh lớp 9 trường THCS Đặng Cương lên lớp với chuyên đề “Hệ thức Vi-ét” cùng giải pháp phòng học thông minh
Tại hội thảo, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Mai, giáo viên trường THCS Đặng Cương lên lớp cùng các học sinh lớp 9 trường THCS Đặng Cương với chuyên đề “Hệ thức Vi-ét” cùng giải pháp phòng học thông minh. Đây là một trong những nội dung kiến thức trọng tâm, quan trọng trong chương trình lớp 9 và ôn thi vào lớp 10 THPT được Phòng Giáo dục và Đào tạo, trường THCS Đặng Cương lựa chọn tham gia hội thảo.



Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Mai cùng các học sinh lớp 9 trường THCS Đặng Cương lên lớp với chuyên đề “Hệ thức Vi-ét” cùng giải pháp phòng học thông minh
Việc ứng dụng phương pháp dạy học tiên tiến với ứng dụng phòng học thông minh cùng cùng các trang thiết bị hiện đại như Màn hình tương tác, máy tính bảng, các phần mềm ứng dụng dạy học,... vào bài học “Phương trình bậc hai một ẩn - Hệ thức Vi-ét” đã mang đến sự mới mẻ, hấp dẫn, lôi cuốn, học sinh tích cực tham gia các hoạt động học tập. Ở phòng học thông minh học sinh sẽ đóng vai trò là trung tâm, còn giáo viên là người hỗ trợ. Việc tổ chức dạy học tương tác, ra bài tập, kiểm tra bài, đưa tài liệu, nhận phản hồi từ học sinh... đều được thao tác trên máy tính. Giáo viên phát huy tối đa khả năng về công nghệ thông tin, trưởng thành hơn về chuyên môn, được bồi dưỡng về kiến thức của môn học và về phương pháp dạy học. Học sinh được thao tác, vẽ hình, tương tác, giải các bài tập trên các nền tảng, phần mềm ứng dụng thông minh vận dụng linh hoạt các phương pháp, kiến thức đã học để giải các bài toán cơ bản, nâng cao; biết phân dạng, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp biến đổi để giải toán đối với hệ thức Vi-ét và khai thác, sử dụng phần mềm ôn luyện trực tuyến trên nền tảng số.


Các hoạt động tại hội thảo
Hội thảo “Nâng cao chất lượng ôn thi vào lớp 10 THPT môn Toán - Ứng dụng hệ thức Vi-ét và giải pháp phòng học thông minh" là đợt sinh hoạt chuyên môn sâu rộng, giúp các thầy cô đánh giá, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp để nâng cao chất lượng thi vào lớp 10 THPT của huyện. Bên cạnh đó, các thầy cô được tiếp cận với mô hình lớp học thông minh cùng nhiều thiết bị công nghệ, phần mềm hiện đại phục vụ giảng dạy sẽ giúp nhà trường triển khai hiệu quả các mô hình dạy học tiên tiến trên nền tảng số theo hướng dạy học kết hợp, nâng cao tương tác giữa giáo viên, học sinh, phát triển kho học liệu số, học liệu mở,… thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số theo chủ đề năm học và chủ đề năm 2024 của huyện./.
Phạm Duy Thành
Phòng VH&TT huyện