Sôi nổi lễ hội bơi trải đền, chùa Ngọ Dương phường An Hòa - Di sản phi vật thể cấp Quốc gia
Chiều ngày 02/02 tức mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ, Quận An Dương tổ chức chung kết lễ hội bơi trải đền, chùa Ngọ Dương trên sông Cổ Bồng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến dự lễ hội có đồng chí Tống Văn Băng, Trưởng Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn lao động; lãnh đạo Sở Du lịch thành phố; đồng chí Trần Thị Quỳnh Trang, Ủy viên Thành ủy, Bí thư Quận ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy; Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận; lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể quận; lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể phường An Hòa cùng đông đảo bà con, du khách thập phương tham dự.

Lễ hội bơi trải đền, chùa Ngọ Dương trên sông Cổ Bồng – di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội Bơi trải đền, chùa Ngọ Dương phường An Hoà còn có tên gọi khác là lễ hội bơi thuyền hay đua thuyền, thuộc lễ hội truyền thống là sản phẩm tinh thần được người dân làng Ngọ Dương sáng tạo, bảo tồn và tổ chức trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở địa phương. Lễ hội có lịch sử hình thành từ lâu đời, được tổ chức gắn liền với sự tích thờ vị Thành hoàng làng Ngọ Dương là Hoàng Độ cư sĩ (quê ở xã Nại Thượng, nay thuộc huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương). Sinh thời, làm quan Tiền đạo đô chỉ huy sứ tướng quân, Ngài và 6 người anh em ruột có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Tô Định. Sau chiến thắng, Ngài cùng 6 anh em được phong tước và trở về cố ấp. Khi đi thuyền đến giữa sông thuộc địa phận sông làng Ngọ Dương (người dân thường gọi là sông Cổ Bồng) thì các Ngài mất, từ đấy hiển linh, trải các triều đại đều có sắc phong.


Đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến tham dự lễ hội
Để tưởng công lao to lớn của Ngài với đất nước, nhân dân, người dân Ngọ Dương đã lập đền thờ, hàng năm dân làng tổ chức lễ hội vào ngày 25 tháng Chạp và tổ chức Bơi trải để tưởng nhớ, báo đáp công ơn to lớn của Ngài. Với giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu, đặc sắc năm 2020, Lễ hội nơi trải Đền, Chùa Ngọ Dương đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.





Các đội tuyển thi đấu
Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 31/01 đến ngày 02/02 (tức từ mồng 3 đến mồng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ) với sự tham gia thi đấu của 5 đội trải với 150 vận động viên đến từ các tổ dân phố Ngọ Dương 1, Ngọ Dương 2, Ngọ Dương 3, Ngọ Dương 4, Ngọ Dương 5 thuộc phường An Hòa. Mỗi đội trải có số lượng 16 người, gồm: 1 lái trải, 1 dậm cốc và 14 tuyển thủ bơi trải, có thể có 1 người tát nước. Trang phục tham gia của mỗi đội trải theo trang phục truyền thống, mỗi trải thể hiện theo một màu sắc trong ngũ hành, gồm: màu đỏ, vàng, xanh nõn chuối, xanh lam và màu hồng; lưng và đầu thắt dải lụa đỏ. Điểm xuất phát của các trải ở phía Tây, bơi qua trước cửa đền Ngọ Dương sang phía Đông (tức bơi theo hướng chảy ngược của dòng sông, từ Tây sang Đông, từ âm sang dương). Theo lệ của làng, 5 trải phải tham gia thi đấu trên đoạn sông dài 1.000m, chia làm 3 vòng (2 vòng đơn và 1 vòng kép). Với thời gian thi đấu khoảng 1 tiếng rưỡi. Đội thắng cuộc phải là đội về đích sớm nhất và không vi phạm các quy định theo lệ làng và quy định của Ban Tổ chức trong suốt quá trình diễn ra lễ hội.




Trao giải cho các đội tuyển
Với tinh thần thi đấu thượng võ, cao thượng, kết thúc hội thi, đội tuyển TDP Ngọ Dương 5 đã xuất sắc giành giải nhất, giải nhì thuộc về thuộc về đội tuyển TDP Ngọ Dương 3; đội tuyển TDP Ngọ Dương 1 đạt giải Ba và giải khuyến khích thuộc về đội tuyển TDP Ngọ Dương 2 và TDP Ngọ Dương 4./.
Phạm Duy Thành
Phòng VH&TT quận